Tổng Quan Về Viễn Thông - Ths.Nguyễn Văn Đát

0
Trong những năm qua, hạ tầng viễn thông đã phát triển nhanh về cả công nghệ và chất lượng cung cấp dịch vụ. Viễn thông đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài với nhiều bước ngoặt trong phát triển công nghệ và phát triển mạng lưới. Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, hiện nay có rất nhiều nhà khai thác viễn thông khác nhau với sự đa dạng của công nghệ và cấu hình mạng cũng như các dịch vụ cung cấp.
Để có được cái nhìn tổng quan về viễn thông nói chung, nắm bắt những kiến thức cơ bản về viễn thông và cũng nằm trong chương trình đào tạo của hệ Đại học từ xa của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cuốn tài liệu “Tổng quan về viễn thông” được các giảng viên Bộ môn Mạng Viễn thông, Khoa Viễn thông I biên soạn. Tài liệu gồm 6 chương, trình bày những kiến thức cơ bản về lịch sử phát triển của viễn thông, các dịch vụ viễn thông, các kỹ thuật cơ bản về truyền dẫn và chuyển mạch trong viễn thông cùng vấn đề báo hiệu và đồng bộ mạng.
Chương 1- Giới thiệu chung: chương này cung cấp cho học viên cách nhìn tổng quan về mạng viễn thông; quá trình phát triển của viễn thông trong quá khứ, hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai cũng như các khái niệm cơ bản trong viễn thông được đề cập giúp người đọc bước đầu hiểu về viễn thông nói chung và cơ sở để tiếp cận với hệ thống viễn thông phức tạp.
Chương 2- Dịch vụ viễn thông: chương này đề cập đến các vấn đề liên quan đến dịch vụ viễn thông như khái niệm, cách thức phân loại dịch vụ viễn thông, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và chất lượng mạng, đồng thời giới thiệu về các loại hình dịch vụ viễn thông cơ bản và các dịch vụ mới trên thế giới và ở Việt Nam, nhu cầu và xu hướng phát triển dịch vụ viễn thông.
Chương 3- Các mạng viễn thông: chương này giới thiệu sự hình thành và phát triển của các mạng viễn thông: các mạng mạng điện thoại, các loại mạng và công nghệ mạng truyền số liệu, mạng máy tính, Internet. Chương này còn giới thiệu những khái niệm căn bản về các phần tử tạo nên mạng viễn thông, về quan điểm phân tầng giao thức và các phương thức chuyển giao thông tin qua các mạng cơ bản.
Chương 4- Các vấn đề truyền dẫn và ghép kênh. Chương 4 trình bày các nội dung liên quan đến truyền dẫn; khái niệm về ghép kênh và các kỹ thuật ghép kênh được sử dụng trong mạng viễn thông.
Chương 5- Các vấn đề về chuyển mạch và định tuyến. Chương này trình bày các khái niệm về chuyển mạch kênh, kỹ thuật chuyển mạch thời gian và không gian, sự kết hợp các kỹ thuật đó trong các hệ thống chuyển mạch; Kỹ thuật chuyển mạch gói, những khái niệm về định tuyến và sự phân loại chúng cũng được đề cập.
Chương 6- Báo hiệu và đồng bộ trong mạng viễn thông: Chương này đưa ra các khái niệm và các kỹ thuật cơ bản về báo hiệu; vai trò và các giải pháp đồng bộ mạng và đồng bộ trong mạng viễn thông Việt Nam (của VNPT).
Ở phần đầu mỗi chương đều có phần giới thiệu về nội dung của chương và chỉ rõ những kiến thức cơ bản học viên cần nắm bắt sau khi học xong chương này. Ngoài ra, để giúp sinh viên củng cố kiến thức đã học, cuối mỗi chương đều có các câu hỏi ôn tập. Các câu hỏi được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm, giúp học viên có thể tự đánh giá nhờ phần hướng dẫn trả lời ở cuối tài liệu. Đây là tài liệu cung cấp cho các học viên hệ đào tạo Đại học từ xa của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nói riêng cũng như những người đọc muốn tìm hiểu, tiếp cận về viễn thông, một trong những lĩnh vực công nghệ hiện đại và rất phức tạp. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi luôn cố gắng đưa ra những giải thích, ví dụ đơn giản dễ hiểu, tuy nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong các học viên, bạn đọc thông cảm và cho những góp ý. Những ý kiến đóng góp xin gửi về : Bộ môn Mạng viễn thông- Khoa Viễn thông 1- Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ĐT: 84-34-515484, bomonmangVT1@yahoo.com
Download file: Tại đây